Thời Tam Quốc và Lưỡng Tấn Hành chính Việt Nam thời Bắc thuộc lần 2

Biến động và thay đổi hành chính

Cuối năm 263, Tào Ngụy diệt Thục Hán. Viên lại ở quận Giao Chỉ là Lã Hưng giết chết thái thú Tôn Tư của Đông Ngô, mang đất này về hàng Tào Ngụy.

Do biến động tranh chấp giữa các nước, năm 264, nhà Đông Ngô (Ngô Cảnh Đế Tôn Hưu) chính thức cắt 3 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô phía bắc Giao Châu hợp thành Quảng Châu. Như vậy 3 quận đã Hán hóa mạnh được cắt ra khỏi Giao Châu để lần đầu tiên lập thành Quảng Châu[1]. Giao Châu mới chỉ gồm 4 quận còn lại phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam cộng thêm vùng duyên hải phía nam Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay), vẫn là "ngoại địa" trong quan điểm của nhà Ngô[1].

Tính từ khi Hán Vũ Đế thôn tính Nam Việt và đặt bộ Giao Chỉ (106 TCN) đến khi Ngô Cảnh Đế chia tách, Quảng Châu (phần lớn đất Lưỡng Quảng – Trung Quốc hiện nay) và Giao Châu mới (miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam cộng thêm một phần nhỏ của Lưỡng Quảng) đã tồn tại trong một thực thể đơn vị hành chính chung là bộ Giao Chỉ rồi Giao Châu trong khoảng 370 năm (106 TCN – 264)[10].

Năm 271, sau khi đánh chiếm lại được Giao châu từ tay nhà Tấn (giành ngôi Tào Ngụy từ năm 265), tướng Đông NgôĐào Hoàng đã xin với vua Ngô là Tôn Hạo đặt thêm 2 quận Vũ Bình và Tân Hưng trên cơ sở tách 3 huyện lớn quận Giao Chỉ ra và đặt thêm quận Cửu Đức tách khỏi quận Cửu Chân. Sang thời thuộc Tấn đổi Tân Hưng thành Tân Xương. Như vậy Giao Châu cuối thời thuộc Ngô qua thời thuộc Ngụy đến thời thuộc Tấn gồm có 7 quận, thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay gồm có 6 quận: Giao Chỉ, Vĩnh Bình, Tân Hưng (Xương), Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam. Còn quận Hợp Phố nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Quận Giao Chỉ

Các huyện lớn của Giao châu được nhà Ngô tách ra để đặt các huyện nhỏ. Số lượng các huyện thời thuộc Ngô vì vậy tăng lên nhiều so với thời thuộc Hán[11].

Quận Giao Chỉ có vị trí lãnh thổ như thời Đông Hán, trừ các phần tách ra thành quận Tân Xương và Vũ Bình. Giao Chỉ gồm có 14 huyện, 12000 hộ[11].

Các huyện thuộc quận Giao Chỉ là (các huyện chữ nghiêng vẫn như thời trước): Long Biên (không còn vùng phía bắc gồm: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng mà Đào Duy Anh cho rằng vùng phía bắc này tách ra thành huyện Ngô Hưng tức Giao Hưng[12]), Câu Lậu, Vọng Hải, Luy Lâu, Tây Vu, Vũ Ninh, Chu Diên (không còn là huyện Chu Diên đời Hán mà chuyển sang vùng Hải Dương, ở giữa sông Thái Bình và sông Hồng), Khúc Dương, Ngô Hưng (là miền Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng tách ra từ huyện Long Uyên), Bắc Đái, Kê Từ, An Định, Vũ An, Quân Bình (cắt ra từ huyện Khúc Dương, tương đương Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Nhà Tấn đổi tên các huyện: Ngô Hưng làm Giao Hưng, Quân Bình làm Hải Bình và Vũ An làm Nam Định (tức huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Như vậy các huyện thuộc Giao Chỉ thời thuộc Tấn là Long Biên, Câu Lậu, Vọng Hải, Luy Lâu, Tây Vu, Vũ Ninh, Chu Diên, Khúc Dương, Giao Hưng, Kê Từ, An Định, Nam Định, Hải Bình.

Quận Tân Xương

Thời thuộc Ngô, Tôn Hạo đặt quận Tân Hưng. Tấn Vũ Đế diệt Ngô đổi là quận Tân Xương. Quận này được xác định vị trí ở vùng bao gồm: huyện Mê Linh (Hà Nội), phía bắc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Yên Bái[12]. Quận đặt từ thời Ngô Mạt Đế Tôn Hạo cuối đời Tam Quốc, tách ra từ quận Giao Chỉ, sang thời Tấn không thay đổi.

Tân Xương gồm có 6 huyện, 3.000 hộ[11]. Các huyện thuộc Tân Xương là: Mê Linh, Gia Hưng, Ngô Định, Phong Sơn, Lâm Tây, Tây Đạo.

Quận Hợp Phố

Thời thuộc Ngô, quận trị Hợp Phố dời từ huyện Từ Văn sang huyện Hợp Phố (nay là huyện Phố Bắc thuộc Quảng Tây, Trung Quốc).

Năm 226, nhà Ngô chia phần đất phía bắc quận Hợp Phố thuộc quyền quản lý của Quảng Châu, không còn thuộc Giao Châu nữa. Phần đất còn lại của quận Hợp Phố nhập vào quận Giao Chỉ.

Quận Vũ Bình

Quận Vũ Bình được xác định vị trí gồm phía nam Vĩnh Phúc ở tả ngạn sông Hồng, gồm các quận, huyện Đông Anh, Hà Đông, Thạch Thất, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai (Hà Nội), các huyện Kim Bảng, Duy Tiên tỉnh Hà Nam, các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn tỉnh Hòa Bình[13]. Quận đặt từ thời Ngô Mạt Đế Tôn Hạo cuối đời Tam Quốc, tách ra từ quận Giao Chỉ, sang thời Tấn không thay đổi.

Vũ Bình có 7 huyện, 3000 hộ[12]. Các huyện thuộc Vũ Bình là: Vũ Ninh, Vũ Hưng, Tiến Sơn, Căn Ninh, Vũ Định, Phù Yên, Phong Khê.

Quận Cửu Chân

Quận Cửu Chân có vị trí như thời Đông Hán, gồm 7 huyện, 3000 hộ[12].

Các huyện thuộc Cửu Chân thời thuộc Ngô gồm: Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Thường Lạc, Phù Lạc.

Nhà Tấn lập thêm huyện Tùng Nguyên và chia huyện Thường Lạc lập huyện Cao An. Như vậy các huyện thuộc Cửu Chân thời thuộc Tấn gồm Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Thường Lạc, Cao An, Phù Lạc, Tùng Nguyên.

Quận Cửu Đức

Quận Cửu Đức được xác định vị trí là huyện Hàm Hoan thời Hán, được xác định ở vùng tương đương tỉnh Nghệ An đến Hà Tĩnh[14]. Quận đặt từ thời Ngô Mạt Đế Tôn Hạo cuối đời Tam Quốc, tách ra từ quận Cửu Chân.

Cửu Đức đời thuộc Ngô có 8 huyện, không rõ số hộ. Các huyện thuộc Cửu Đức là: Cửu Đức (sau này Diễn châu thời thuộc Đường, tương đương huyện Diễn Châu bắc Nghệ An), Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Thành, Việt Thường, Phù Linh, Khúc Tư, Đô Hào[14].

Nhà Tấn đổi Dương Thành thành Dương Toại, sau đó tách Dương Toại lập ra huyện Phố Dương và huyện Tây An (tương đương huyện Nghi Xuân của Hà TĩnhNghi Lộc của Nghệ An[15]). Như vậy các huyện thuộc Cửu Đức thời thuộc Tấn là Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Toại, Phố Dương, Tây An, Phù Linh, Khúc Tư, Đô Hào.

Quận Nhật Nam

Quận Nhật Nam được xác định vị trí từ Quảng Bình đến đèo Hải Vân. Nhật Nam có 5 huyện, 600 hộ[12].

Các huyện thuộc Nhật Nam thời thuộc Ngô gồm: Lô Dung, Chu Ngô, Tây Quyển, Tỷ Ảnh, Tượng Lâm; trong đó huyện Tượng Lâm trên thực tế đã trở thành nước Lâm Ấp độc lập từ cuối thời Đông Hán nên việc đặt huyện không có đất đai cai trị thực sự.

Năm 289, Tấn Vũ Đế tách huyện Tây Quyển đặt huyện Thọ Linh, tách Tỷ Ảnh đặt thêm huyện Vô Lao. Như vậy các huyện thuộc Nhật Nam thời thuộc Tấn là Lô Dung, Chu Ngô, Tây Quyển, Thọ Linh, Tỷ Ảnh, Vô Lao, Tượng Lâm. Trong thế kỷ 4, nhà Tấn nhiều lần tổ chức tấn công nước Lâm Ấp - tức huyện Tượng Lâm theo cách gọi của nhà Tấn - tiến sâu vào lãnh thổ nước này nhưng cuối cùng không giành lại được quyền kiểm soát vùng này lâu dài.